I. Sắc ký là gì?
1.1. Định nghĩa:
Sắc ký lá một nhóm các phương pháp hoá lý dùng để tách các thành phần của một hỗn hợp. Trong sắc ký các chất khác nhau được tách dựa trên sự phân chia khác nhau của chúng vào hai pha luôn tiếp xúc và không hòa lẫn vào nhau: một pha tĩnh và một pha động. Pha tĩnh được nhồi trên cột. pha động đi qua cột. Khi hỗn hợp cần tách được pha động kéo qua cột. chất nào có ái lực (lực liên kết) mạnh hơn với pha tĩnh di chuyển chậm hơn, vì vậy các chất có thể tách khỏi nhau.
1.2. Quá trình sắc ký:
Quá trình tách sắc ký thường bao gồm 3 giai đoạn chính:
a.Đưa hỗn hợp lên pha tĩnh: đưa hỗn hợp lên cột.
b.Cho pha động chạy qua pha tĩnh: Khi dung môi qua cột, kéo theo các chất di chuyển trên pha tĩnh với tốc độ khác nhau, tách khỏi nhau và có vị trí khác nhau trên cột tạo thành sắc đồ (sắc ký đồ). Giai đoạn này gọi là khai triển sắc ký (development).
Nếu tiếp tục cho pha động chạy thi các chất có thể lần lượt bị kéo ra ngoài ra khỏi cột. Đó là quá trình rửa giải (elution)và dung môi được sử dụng là dung môi rửa giải (eluent), dịch hứng được ở cuối cột gọi là dịch rửa giải (eluate).
Nếu các chất được tách trên pha tĩnh (sắc ký khai triển) ta có thể lấy từng phần pha tĩnh có mang chất (phân đoạn bột trên cột) đem chiết lấy chất.
Nếu các chất được tách ra ngoài pha tĩnh (sắc ký rửa giải) ta có thể hứng lấy các phần đoạn dịch rửa giải có chất.
Phát hiện các chất: các chất màu có thể phát hiện dễ dàng, các chất không màu có thể phát hiện bằng đèn tử ngoại hay bằng các thuốc thử. Trong sắc ký rửa giải có thể phát hiện bằng các chất khi chúng đi ra khỏi cột bằng cách cho dung dịch rửa giải đi qua một bộ phận phát hiện gọi là detector đặt sau cột.