Nguyên nhân hàng đầu gây ra các triệu chứng huyết áp cao là do áp suất máu tác động lên các thành động mạch khiến các mạch máu bị tổn thương, đồng thời gây ra các bệnh nguy hiểm như tim mạch và đột quỵ, hiện đang được coi là những kẻ giết người thầm lặng. Với cách điều trị thông thường hiện nay là dùng thuốc và phải thay đổi lối sống. Tuy nhiên, các nhà khoa học Nhật Bản mới đây đã nghiên cứu một loại vaccine dùng để chủng ngừa đối với căn bệnh nguy hiểm này.
Hành trình tìm kiếm
Khoa học y tế thế giới đã bắt đầu nghiên cứu để tìm kiếm và phát triển một số loại vaccine để ngăn ngừa bệnh cao huyết áp từ những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Điều này vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu "vì tuy vaccine đã được kiểm soát chặt chẽ trong suốt 6 tháng liên tục khi được tiêm cho chuột, nhưng không biết có hiệu quả trên người là bao lâu và có phản ứng phụ hay không”, Tiến sĩ, bác sĩ Ernesto L.Shiffrin, chuyên nghiên cứu mạch máu và huyết áp tại Bệnh viện Đa khoa Do thái và Viện Lady Davis tại Đại học McGill ở Montreal, Canada nhận định.
Năm 2008, trong một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí The Lancet, các nhà khoa học cũng đã tìm ra một loại vaccine phòng ngừa bệnh cao huyết áp nhưng mới chỉ cho kết quả nghiên cứu ở mức độ còn khiêm tốn. Đó là một loại vaccine peptide gồm một chuỗi các axit amine có vai trò giúp cơ thể có khả năng ức chế được hormone angiotensin II, tác nhân khiến các mạch máu co lại và ngăn cản sự lưu thông của mạch máu. Tuy nhiên, loại vaccine này chỉ được thử nghiệm vài tháng vì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định không cho tiếp tục phát triển nữa bởi lý do nhân văn nếu như nó được chủng ngừa trên người.
Giảm chi phí cho bệnh nhân nghèo
Giáo sư, Tiến sĩ Hironori Nakagami tại trường Đại học Osaka, Nhật Bản cùng các đồng nghiệp đang tiến gần hơn với những triển vọng về một loại vaccine chủng ngừa đối với bệnh nhân cao huyết áp. Điều này sớm đi tới thành công cũng có nghĩa họ sẽ mang lại cơ hội tiếp cận với những phương pháp phòng ngừa và chữa trị có chi phí thấp cho người nghèo trên toàn thế giới. Vaccine của Tiến sĩ Nakagami và các đồng nghiệp của ông có chức năng như một enzyme chuyển đổi hormone angiotensin II (ACE) ức chế thuốc, bám chặt và ngăn ngừa hormone này. Theo các nhà khoa học Nhật Bản, vaccine này sẽ tự xâm nhập vào ADN, biến các tế bào của cơ thể thành những bức tường có khả năng giúp cơ thể tạo ra các kháng thể nhằm giảm thiểu các tác nhân gây bệnh như co thắt mạch máu, xơ vữa động mạch và nguy cơ tạo thành các cục máu đông. Vì vậy, loại "vaccine ADN” này có vai trò như một hàng rào phòng vệ đối với mạch máu.
Mặc dù, hiện các nhà khoa học mới chỉ kiểm soát được thời gian phòng bệnh trên chuột trong vòng 6 tháng, nhưng các chuyên gia nhận định vaccine này có thể rất an toàn vì nó có những tác dụng phụ không đáng kể trong thời gian thử nghiệm trên chuột. Sau khi nghiên cứu thành công, các nhà khoa học Nhật Bản hy vọng sẽ tiến hành thử nghiệm trên người ở ngay trên đất nước này hay ở quốc gia nào đó. "Nếu vaccine này thử nghiệm thành công trên người, nó sẽ là một cuộc cách mạng toàn cầu trong việc điều trị huyết áp cao cho cộng đồng nghèo ở khắp các châu lục, xóa đi nỗi lo về các khoản chi phí điều trị căn bệnh tử thần này.